Sốc văn hóa là “căn bệnh” không của riêng ai. Khi bắt đầu cuộc sống tại một đất nước xa lạ, chắc hẳn bạn sẽ khá bỡ ngỡ bởi những khác biệt về lối sống, văn hóa, ngôn ngữ. Trong bài viết dưới đây, IMM Consulting sẽ giúp bạn tìm hiểu những nguyên nhân và cách để vượt qua tình trạng sốc văn hóa.
1. Các tác nhân gây ra sốc văn hóa
Khác biệt ngôn ngữ
Thanh thiếu niên nhập cư thường tới từ những quốc gia không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính. Do đó, rào cản ngôn ngữ là thách thức lớn khi họ không thể giao tiếp với mọi người và gặp khó khăn trong việc kết bạn. Khác biệt ngôn ngữ cũng ảnh hưởng đến việc học tập. Thay vì dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu, họ phải tham gia các lớp ngôn ngữ để hiểu những gì giáo viên giảng dạy. Những sinh viên không thể học hay sử dụng ngôn ngữ bản xứ một cách nhanh chóng, có thể sẽ cảm thấy cô đơn và bị cô lập bởi sự hạn chế tương tác với bạn bè.
Khác biệt văn hóa
Văn hóa bao gồm thái độ, sự nhận thức, giá trị, niềm tin và hình mẫu hướng tới của những người trong cùng một xã hội. Văn hóa Mỹ khá “mở”, dân chủ và đề cao chính kiến cá nhân, do đó, thanh thiếu niên đến từ các nền văn hóa tập quyền hoặc độc tài như châu Á và Ấn Độ sẽ phải điều chỉnh bản thân để có hướng tiếp cận phù hợp. Thanh thiếu niên nhập cư cũng thường phải đấu tranh dữ dội để vừa duy trì bản sắc dân tộc trong giao tiếp với gia đình vừa tiếp nhận văn hóa Mỹ trong các hoạt động với người bản xứ.
Những thay đổi về kinh tế
Khi một gia đình nhập cư vào Mỹ, họ phải bắt đầu lại tất cả từ vạch xuất phát, bao gồm cả nguồn thu nhập. Điều này gây ít nhiều khó khăn cho con cái, những người có thể đã được hưởng cuộc sống tốt hơn nếu cha mẹ chúng không di cư vì những vấn đề chính trị. Yếu tố kinh tế không cho phép chúng tham gia các hoạt động giải trí như mua sắm, xem phim, du lịch. Trong nhiều trường hợp, thanh thiếu niên phải tham gia làm việc để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Những thách thức về kinh tế đó sẽ gây áp lực không nhỏ và họ có thể cảm thấy khó chấp nhận thực tế mới.
Vấn đề về tâm lý
Thanh thiếu niên thường gặp vấn đề tâm lý khi không thể tiếp nhận môi trường mới. Tất cả những thay đổi như âm nhạc, thời trang, lối sống, thức ăn, phong cách giao tiếp… có thể khiến chúng bị sốc nghiêm trọng, đặc biệt ở những nơi mà văn hóa bản địa đối lập hoàn toàn với văn hóa gốc. Trong một số trường hợp, thanh thiếu bị sốc quá mức và họ không thể thực hiện việc thích nghi, từ đó rơi vào trầm cảm, lo lắng, thậm chí phát triển những thói quen tiêu cực. Định kiến, phân biệt đối xử và bắt nạt có thể là nguyên nhân khiến thanh thiếu niên nhập cư trở nên thu mình lại. Họ không thể hòa nhập với mọi người, trong khi đây lại là nhu cầu và yêu cầu lớn nhất để nhanh chóng thích nghi.
2. Triệu chứng thường gặp khi sốc văn hóa
Để điều trị sốc văn hóa hiệu quả, việc nhận biết những triệu chứng của nó vô cùng quan trọng. Nhận biết sớm và xử lý sớm sẽ mang lại hiệu quả tích cực và hỗ trợ thanh thiếu niên nhập cư sớm hòa nhập cộng đồng.
Một vài dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn đang gặp tình trạng sốc văn hóa:
-
- Buồn bã, cảm thấy cô đơn, sầu muộn
- Trở nên lo lắng cho sức khỏe.
- Đau nhức, dị ứng.
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Thay đổi cảm xúc, trầm cảm, dễ bị tổn thương.
- Tức giận, khó chịu, bực bội.
- Mất bản sắc văn hóa.
- Thiếu tự tin.
- Ám ảnh sạch sẽ.
- Nhớ gia đình dữ dội.
- Cảm thấy mất mát hoặc bị mờ nhạt.
3. Một số cách để vượt qua tình trạng sốc văn hóa
-
- Nhắc nhở bản thân rằng mọi thứ đang trải qua đều hết sức bình thường
- Giữ liên lạc với bạn bè qua email, thư hoặc điện thoại
- Giữ những thứ thân thuộc xung quanh, có thể là một tấm ảnh hoặc một vật trang trí.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, có thể tìm đến những món ăn quen thuộc.
- Nhiều sinh viên quốc tế tìm kiếm sự cân bằng trong các hoạt động tôn giáo, rất nhiều giáo sĩ ở Mỹ luôn chào đón học sinh từ các tôn giáo khác nhau tham gia các hoạt động từ thiện.
- Giữ liên lạc với nhóm bạn bè đồng hương hoặc các nhóm sinh viên địa phương.
- Tham gia các hoạt động kết nối với những người cùng sở thích.
- Luôn tự tin vào bản thân, theo đuổi đam mê và tiếp tục các kế hoạch tương lai.
- Tìm hiểu và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sinh viên quốc tế.
- Duy trì thói quen: Việc duy trì thói quen có tác động tích cực tới việc chống sốc văn hóa, ví dụ tiếp tục theo đuổi đức tin với những nhóm người cùng đạo, chạy bộ, chơi cờ hoặc cổ vũ cho đội thể thao yêu thích. Các hoạt động này tuy được “Mỹ hóa” đôi chút để phù hợp với môi trường sống nhưng vẫn mang lại cảm giác thoái mái khi được đắm mình trong các hoạt động quen thuộc ở quê nhà. Tập thể dục thường xuyên là một cách tốt để chống lại chứng trầm cảm, thanh thiếu niên nhập cư nên xem xét việc thực hiện hoạt động này thường ngày.
4. Hệ thống hỗ trợ
Trong quá trình chuyển đổi môi trường sống, các trung tâm hỗ trợ dưới dạng văn phòng tuyển sinh hoặc văn phòng sinh viên quốc tế ở các trường đại sẽ giúp ích rất nhiều trong công cuộc ngăn ngừa và điều trị sốc văn hóa. Nhiều văn phòng thường tổ chức các buổi định hướng cho sinh viên trong những ngày đầu mới chuyển đến, việc này sẽ giúp thanh thiếu niên nhập cư làm quen với môi trường mới. Ở Mỹ, có khá nhiều trường có chuyên gia trị liệu giúp ổn định tâm lý và hỗ trợ thanh thiếu niên vượt qua những trở ngại tinh thần.
Cách tốt nhất để tự bản thân giải tỏa được “cơn sốc” là tham gia các hoạt động xã hội ở trường. Tìm kiếm các câu lạc bộ, các tổ chức ở trường thông qua website và chắc chắn sẽ tìm được ít nhất một nhóm bạn cùng sở thích. Đây là con đường tuyệt vời để tìm kiếm những người bạn cùng chí hướng và mang lại cảm giác quen thuộc ở quê nhà.
Quan trọng nhất, thanh thiếu niên nhập cư phải chắc chắn rằng mình đã mở cửa bản thân cho những trải nghiệm mới, không chỉ cho việc học, không chỉ trong lớp học mà còn trong sự tương tác với mọi người mỗi ngày.
Tìm hiểu thêm: Khám phá Canada qua 10 sự thật thú vị ít người biết
Canada.com.vn